Hạnh phúc là khi được cùng học trò ôn lại những kỉ niệm xưa

18/11/2014 04:44, Lượt hiển thị: 5464 Tin Giáo dục

Hạnh phúc là khi được cùng học trò ôn lại những kỉ niệm xưa

Tham gia công tác giảng dạy hơn 15 năm, cô Đỗ Thị Ngọc Anh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội) đã dạy nhiều thế hệ học trò và có nhiều kỉ niệm cho ngày 20/11. Mỗi lứa học trò qua đi đều để lại trong cô nhiều kỉ niệm khó quên.

Chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong ngày 20/11, cô Ngọc Anh xúc động nhớ lại hơn 10 năm về trước:

“Năm 2010, lúc đó cô đang tham gia công tác giảng dạy ở Hưng Yên. Cô ở trong căn phòng nhỏ, chỉ 18m vuông. Hôm 20/11, học sinh trong lớp, 30 em rủ nhau đến nhà chơi. Cô làm 2 con gà và miến cho các con ăn. Tuy nhiên, do phòng nhỏ, không đủ chỗ ngồi, bát đũa cũng không đủ phải ngồi hết lên giường. Học sinh lần lượt thay phiên nhau ăn rồi rửa bát. Vui lắm. Kỷ niệm ngày 20/11 đó cô vẫn còn nhớ mãi”.

Bức ảnh kỉ niệm của cô Ngọc Anh bên các học trò trong ngày 20/11

Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới, cô Ngọc Anh có mong ước: “20/11 này cô chỉ mong được ngồi bên những học trò cũ để tán gẫu, cùng các em trò chuyện, ôn lại kỉ niệm xưa”

Trong khi đó, cô Hải Thu (giảng viên Đại học Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) vui vẻ cho biết mong ước ngày 20/11: “Cô chỉ có mong ước là các em học sinh của mình học giỏi và luôn nhớ tới mình”.

Kỷ niệm 20/11 nhớ nhất của cô Hải Thu là vào 20/11 năm ngoái. Ngày hôm đó, học sinh trong lớp cô chủ nhiệm đã làm một clip ngắn tặng cô (Clip là những bức ảnh chụp cô và trò trong giờ trên lớp, các hoạt động ngoại khóa, đi du lịch…), rồi các em nặn hình đất sét cô giáo tặng cô và cả lớp cùng hát My love. Cô đã rất xúc động. Đến bây giờ, những kỉ vật và kỉ niệm ngày hôm đó cô vẫn không thể quên.

Giấc mơ lên bục giảng chưa bao giờ thành hiện thực

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, cảm giác háo hức trong tôi không còn, chỉ còn lại cảm giác nuối tiếc cho giấc mơ chưa thành hiện thực.

Còn với thầy Cù Hải Ninh (giáo viên Trường THCS Nông Trang, Phú Thọ) lại chia sẻ câu chuyện của mình: Là một giáo viên trẻ, mới nhận công tác chưa lâu, vào ngày 20/11, thầy nhớ có nhiều học sinh cũ giờ không dạy nữa đến chơi. Khi đó, thầy và trò cùng ôn lại những kỷ niệm xưa.

Tuy nhiên, có một điều thầy Ninh vẫn luôn trăn trở: “Học sinh bây giờ khác quá, mới học cấp 2 thôi mà 20/11, một số em đã biết đi phong bì thầy. Như vậy làm mất đi vẻ truyền thống của ngày này". Theo thầy Ninh, không nên để các em học sinh có tư tưởng về phong bì quá sớm, như vậy ảnh hưởng đến suy nghĩ, quan điểm của các em về thầy cô giáo.

Trong khi đó, nhớ về 20/11, cô giáo Trần Thu Thủy (giáo viên Trường THPT Lương Văn Can) lại bồi hồi cảm xúc khi nhớ về cậu học trò Nguyễn Đức Giang:

“Lớp cô chủ nhiệm có một học sinh bị trầm cảm. Ngày 20/11 năm ngoái cũng là ngày 20/11 cuối cùng ở trường cấp 3. Sau lễ mít tinh ở trường, tất cả học sinh đã về hết, các thầy cô ở lại họp để liên hoan chúc mừng. Cu cậu cứ đứng ở hanh lang khu văn phòng cho cô mãi.

Đến lúc thầy giám thị nhìn thấy đứng ở đấy lâu quá mới gọi giáo viên chủ nhiệm ra. Cô ra hỏi thì ấp a ấp úng đưa cho cô một bức tranh chân dung do em tự vẽ. Cậu bảo cảm ơn cô vì đã luôn động viên em học vẽ và theo đuổi đam mê này. Bây giờ, Giang đã là sinh viên đại học kiến trúc rồi”.

Bức chân dung Giang vẽ tặng cô Thủy - một món quà cảm ơn cô trong ngày 20/11 cuối cùng của năm học lớp 12

Với cô Nguyễn Thị Hải Yến (giáo viên Trường tiểu học Lê Quý Đôn) không giấu được sự xúc động khi nhớ về khoảnh khắc ngày hôm đó:

“Kỷ niệm ngày 20/11 thì nhiều lắm. Năm nào học sinh cũ cũng về trường thăm, rất xúc động. Lúc đó cô càng thấy yêu nghề hơn. Như năm ngoái, các em học sinh lớp 5 mình chủ nhiệm còn tự trang trí lớp học, nhất định không cho cô vào cùng. Đến khi xong xuôi, cô bước vào lớp thì mỗi bạn cầm một quả bóng bay đập nổ và hát chúc mừng. Cô cảm động quá khóc luôn”.

Cô Hải Yến cũng chia sẻ thêm, còn nhớ gia đình của một em học sinh cô dạy cách đây ba năm, dù em đã lên lớp lớn, không còn dạy nữa nhưng ba năm nay, ngày kỉ niệm, lễ tết nào gia đình em cũng nhắn tin chúc mừng, hỏi thăm cô giáo. Như thế cô đã thấy rất vui rồi.

“Nhìn thấy các em học sinh nhớ tới mình, dành tình cảm cho mình, mình càng tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để dạy dỗ các em, càng mong sao các em luôn chăm ngoan, học tốt”. – cô Yến bày tỏ.  

Cùng là giáo viên tiểu học như cô Yến, cô Nguyễn Thu Hương (giáo viên Trường tiểu học Bạch Hạc, Phú Thọ) lại ấn tượng nhất là buổi học trên lớp trước hôm mít tinh ngập tràn tiếng hát của các học trò nhỏ. Ngày hôm đó, buổi học như say sưa, cởi mở hơn. Các em học sinh hăng say, chắm chú nghe bài hơn, trong cô cứ có một cảm giác rộn ràng khó tả.

Thật khó để diễn tả hết cảm xúc của thầy cô khi nhớ về học trò cũng như khó có thể nói hết công ơn dạy dỗ của các thầy cô. Xin được mượn câu hát trong bài Người thầy của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy thay cho lời kết: “Dẫu đếm hết lá mùa thu rơi, nhưng ngàn năm, làm sao em đếm hết công ơn người thầy…”

Bài viết liên quan

Thầy giáo trẻ khó lấy vợ vì nghèo
18/11/2014 04:51 / Admin
Sau khi đọc bài “Thư gửi chồng của nữ giáo viên nhân ngày 20/11” của cô giáo Đỗ Sông Hương, cũng là một giáo viên nên tô ...
Hoa, quà hay phong bì cho ngày Nhà giáo Việt Nam?
18/11/2014 04:49 / Admin
Cứ đến ngày lễ gì lớn như 14/2, 8/3, 20/10, 20/11…, đi ngoài đường đâu đâu cũng thấy hoa là hoa. Đủ các loại hoa với màu ...
Ôm mộng làm giàu, đừng theo nghề giáo
18/11/2014 04:46 / Admin
Ngày ấy, bạn bè cùng trang lứa với tôi không giấu được niềm tự hào khi lần lượt nhận được giấy báo trúng tuyển vào nhiều ...
Chuyện 'cởi trói' cho giáo viên của Nhà giáo nhân dân
18/11/2014 04:42 / Admin
Từ kinh nghiệm đi dạy, Nhà giáo nhân dân Lưu Xuân Giới (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, ...